Quý tộc Quý tộc nhà Thanh

Quan viên nam giới

Có 9 bậc quý tộc được ban thưởng tuỳ theo lòng dũng cảm, thành tích hoặc sự xuất chúng. Trừ hai bậc cuối cùng, tất cả các bậc còn lại đều được chia thành nhiều cấp khác nhau.

  • Dân công (tiếng Trung: 民公; bính âm: Mín Gōng) thường được gọi tắt là Công. Tước "Công" được ban cho người Bát Kỳ không phải hoàng tộc, còn tước "Quốc công" chỉ dành cho thành viên hoàng tộc. Chia làm 3 đẳng, vị siêu phẩm;
  • Hầu (tiếng Trung: 侯; bính âm: Hóu), chia làm 3 đẳng, kiêm Nhất vân Kỵ úy (一雲騎尉) là đẳng riêng, vị siêu phẩm;
  • (tiếng Trung: 伯; bính âm: Bó), chia làm 3 đẳng, kiêm Nhất vân Kỵ úy (一雲騎尉) là đẳng riêng, vị siêu phẩm;
  • Tử (tiếng Trung: 子; bính âm: Zǐ), chia làm 3 đẳng, kiêm Nhất vân Kỵ úy (一雲騎尉) là đẳng riêng, vị Chính nhất phẩm;
  • Nam (tiếng Trung: 男; bính âm: Nán), chia làm 3 đẳng, kiêm Nhất vân Kỵ úy (一雲騎尉) là đẳng riêng, vị Chính nhị phẩm;
  • Khinh xa đô uý (giản thể: 轻车都尉; phồn thể: 輕車都尉; bính âm: Qīngchē Dūwèi), chia làm 3 đẳng, kiêm Nhất vân Kỵ úy (一雲騎尉) là đẳng riêng, vị Chính tam phẩm;
  • Kị đô uý (giản thể: 骑都尉; phồn thể: 騎都尉; bính âm: Qí Dūwèi), phân làm Kị đô úy kiêm Nhất vân Kỵ úy và Kị đô úy, vị Chính tứ phẩm;
  • Vân kị uý (giản thể: 云骑尉; phồn thể: 雲騎尉; bính âm: Yún Qíwèi), vị Chính ngũ phẩm;
  • Ân kị uý (giản thể: 恩骑尉; phồn thể: 恩騎尉; bính âm: Ēn Qíwèi) thường không ban thưởng bởi công lao mà được ban cho con trai thừa kế của Vân kị úy khi Vân kị úy qua đời, vị Chính thất phẩm;

Các tước vị quý tộc thường ban cho quan võ nhiều hơn là quan văn. Trong lịch sử nhà Thanh, quan văn có tước vị cao nhất là Tăng Quốc Phiên chỉ là "Nhất đẳng Hầu tước". Ngoài ra, các quý tộc đôi khi cũng được ban chế độ gọi là Thế tập võng thế (世襲罔替), tức là tước vị đó truyền đời mà không bị giáng tước. Những ngoại thích khi gia ân tước, đều có thành tố [Thừa Ân; 承恩] vào đằng trước tước hiệu, như "Thừa Ân công" hay "Thừa Ân hầu", lại cũng tùy vào ân sủng mà gia cho Nhất đẳng hay Tam đẳng. Theo mặc định, các tước vị "Thừa Ân công" đều là thế tập truyền đời.

Căn cứ Khâm định Đại Thanh hội điển sự lệ, lương bổng các tước theo năm như sau[7]:

  1. Nhất đẳng Công: 700 lượng bạc;
  2. Nhị đẳng Công: 685 lượng bạc;
  3. Tam đẳng Công: 660 lượng bạc;
  4. Nhất đẳng Hầu kiêm Nhất vân Kỵ úy: 635 lượng bạc;
  5. Nhất đẳng Hầu: 610 lượng bạc;
  6. Nhị đẳng Hầu: 585 lượng bạc;
  7. Tam đẳng Hầu: 560 lượng bạc;
  8. Nhất đẳng Bá kiêm Nhất vân Kỵ úy: 535 lượng bạc;
  9. Nhất đẳng Bá: 510 lượng bạc;
  10. Nhị đẳng Bá: 485 lượng bạc;
  11. Tam đẳng Bá: 460 lượng bạc;
  12. Nhất đẳng Tử kiêm Nhất vân Kỵ úy: 435 lượng bạc;
  13. Nhất đẳng Tử: 410 lượng bạc;
  14. Nhị đẳng Tử: 385 lượng bạc;
  15. Tam đẳng Tử: 360 lượng bạc;
  16. Nhất đẳng Nam kiêm Nhất vân Kỵ úy: 335 lượng bạc;
  17. Nhất đẳng Nam: 310 lượng bạc;
  18. Nhị đẳng Nam: 285 lượng bạc;
  19. Tam đẳng Nam: 260 lượng bạc;
  20. Nhất đẳng Khinh xa Đô úy kiêm Nhất vân Kỵ úy: 235 lượng bạc;
  21. Nhất đẳng Khinh xa Đô úy: 210 lượng bạc;
  22. Nhị đẳng Khinh xa Đô úy: 185 lượng bạc;
  23. Tam đẳng Khinh xa Đô úy: 160 lượng bạc;
  24. Kị đô úy kiêm Nhất vân Kỵ úy: 135 lượng bạc;
  25. Kị đô úy: 110 lượng bạc;
  26. Vân kị úy: 85 lượng bạc;
  27. Ân kị úy: 60 lượng bạc;

Ngoài ra, còn có các tước không liệt phẩm, lương bổng gồm:

  1. Nhàn tản Công (閑散公): 255 lượng bạc;
  2. Nhàn tản Hầu (閑散侯): 230 lượng bạc;
  3. Bá phẩm cấp thế chức (伯品級世職): 205 lượng bạc;
  4. Tử phẩm cấp thế chức (子品級世職): 180 lượng bạc;
  5. Nam phẩm cấp thế chức (男品級世職): 155 lượng bạc;
  6. Khinh xa đô úy phẩm cấp thế chức (輕車都尉品級世職): 130 lượng bạc;
  7. Kị đô úy phẩm cấp thế chức (騎都尉品級世職): 105 lượng bạc;
  8. Vân kị úy phẩm cấp thế chức (雲騎尉品級世職): 80 lượng bạc;

Những tước vị khác

Mông Cổ Minh kỳ thế tước
  1. Thân vương (親王);
  2. Quận vương (郡王);
  3. Bối lặc (貝勒);
  4. Bối tử (貝子);
  5. Trấn quốc công (鎮國公);
  6. Phụ quốc công (輔國公);
  7. Trát Tát Khắc Đài cát (札薩剋颱吉);
  8. Nhất đẳng Đài cát (一等颱吉);
  9. Nhị đẳng Đài cát (二等颱吉);
  10. Tam đẳng Đài cát (三等颱吉);
  11. Tứ đẳng Đài cát (四等颱吉);
Công thần thế tước
  1. Diễn Thánh công (衍聖公): tước vị dành cho hậu duệ của Khổng Tử, nhánh ở Khúc Phụ.
  2. Hải Trừng công (海澄公): tước vị dành cho Trịnh Khắc Sảng và con cháu.
  3. Nhất đẳng Trung Dũng công (一等忠勇公): tước vị cho Phó Hằng và hậu duệ.
  4. Nhất đẳng Trung Tương công (一等忠襄公): tước vị cho Hòa Thân và hậu duệ. Bị Gia Khánh Đế giải trừ.
  5. Nhất đẳng Nghị Dũng hầu (一等毅勇侯): tước vị dành cho Tăng Quốc Phiên và con cháu.
  6. Nhị đẳng Khác Tĩnh hầu (二等恪靖侯): tước vị dành cho Tả Tông Đường và con cháu.
  7. Nhất đẳng Túc Nghị hầu (一等肅毅候): tước vị dành cho Lý Hồng Chương và con cháu.
  8. Tĩnh Hải hầu (靖海侯): tước vị dành cho Thi Lang và con cháu.
  9. Diễn Ân hầu (延恩侯): tước vị dành cho người đứng đầu của dòng họ Chu thị, hoàng tộc nhà Minh.
  10. Trung Thành bá (忠誠伯): tước vị dành cho Phùng Tích Phạm và con cháu.
  11. Chiêu Tín bá (昭信伯): tước vị dành cho Lý Thị Nghiêu (李侍堯), hậu duệ của Lý Vĩnh Phương (李永芳).
  12. Thế tập Quả Cảm huyện lệnh (世襲果敢縣令): dành cho Dương Quốc Hoa (楊國華) và con cháu.

Ngoại mệnh phụ

Thê thất của quan viên triều Thanh cũng theo hạng ngạch của chồng mà được triều đình cân nhắc phong tặng, họ được gọi là Mệnh phụ hay Ngoại mệnh phụ (外命婦).

Thời Thanh cơ bản noi theo cách cũ của đời Minh, dùng [Cáo mệnh; 诰命] và [Cáo sắc; 诰敕] làm cơ sở. Đời Thanh quy định, phàm là quan viên triều đình, khi đạt được chức quan thì cũng có đãi ngộ hạng ngạch tương ứng. Xuất phát từ ưu đãi mà suy xét, quan viên có thể thông qua “Đàm ân cáo sắc” (覃恩诰敕) để có thể xin ban ân cho thành viên trong gia đình mình. Căn cứ triều đình quan viên phẩm cấp bất đồng, phạm vi “Đàm ân cáo sắc” cùng hình thức cũng bất đồng.

Chúng ta có:

  • Quan viên từ Nhất phẩm đến Ngũ phẩm xưng là “Cáo mệnh”. Theo đó, trừ việc có thể thỉnh phong cho Thê tử, quan viên Nhất phẩm có thể được truy phong cho 3 đời (ông cố, ông nội và cha), Nhị phẩm cùng Tam phẩm được truy phong 2 đời (ông nội và cha) và Tứ phẩm cùng Ngũ phẩm chỉ được truy 1 đời.
  • Quan viên từ Lục phẩm đến Cửu phẩm xưng là “Sắc mệnh". Trong đó Bát phẩm cùng Cửu phẩm không có quyền xin cho Thê tử và gia đình, chỉ có thể hưởng đãi ngộ cho chính mình. Còn Lục phẩm và Thất phẩm ngoài xin được gia phong cho Thê tử, còn có thể xin truy phong cho cha mẹ.

Về nội dung phong tặng, nam giới cùng nữ giới bất đồng. Nam giới được truy phong, bất luận từng nhậm chức gì, có nhậm hay không, khi truy phong đều gọi “Tản quan” ứng vào thứ bậc của người được ân phong tặng, chia làm hai ban văn-võ. Còn nữ giới chỉ có một hình thức hạng ngạch Mệnh phụ chung. Lấy ví dụ mà nói, vị quan A được thăng làm quan hàm Nhất phẩm, liền có được đãi ngộ phong tặng 3 đời. Thế là ông cố, ông nội cùng cha của vị quan A, tất cả đều phong tặng chức quan hàm Nhất phẩm; còn bà cố, bà nội, mẹ cả cùng vợ cả của vị A này, đều là “Nhất phẩm Cáo mệnh phu nhân” theo quy định. Vào đời Thanh, trừ bỏ những người được gả vào hoàng gia và có được tước vị tương ứng, thì Thê thất quan viên đều phải trải qua “Đàm ân cáo sắc” này mới có được tước hiệu. Nói cho cùng, phụ nữ thời kỳ quân chủ xưa có được vinh quang đều do chồng hoặc con cái mình mang lại, do đó để đánh giá người ấy có được địa vị thế nào người ta đều sẽ xem địa vị của chồng trước.

Tổng quan các mệnh phụ triều Thanh, dựa theo:

Phong hiệu Ngoại mệnh phụ triều Thanh
Địa vị của Phu quânTước vị mệnh phụ tương ứng
Thân vương và Quận vươngPhúc tấn (福晋)
Bối lặc, Bối tử, Trấn Quốc công, Phụ Quốc côngPhu nhân (夫人)
Công tướcCông thê Nhất phẩm Phu nhân (公妻一品夫人)
Hầu tướcHầu thê Nhất phẩm Phu nhân (侯妻一品夫人)
Bá tướcBá thê Nhất phẩm Phu nhân (伯妻一品夫人)
Quan viên Nhất phẩm, Trấn Quốc tướng quân, Tử tướcNhất phẩm Phu nhân (一品夫人)
Quan viên Nhị phẩm, Phụ Quốc tướng quân, Nam tướcNhị phẩm Phu nhân (二品夫人)
Quan viên Tam phẩm, Phụng Quốc tướng quân, Khinh xa Đô úyTam phẩm Thục nhân (三品淑人)
Quan viên Tứ phẩm, Phụng Ân tướng quân, Kỵ đô úyTứ phẩm Cung nhân (四品恭人)
Quan viên Ngũ phẩm, Vân kỵ úyNgũ phẩm Nghi nhân (五品宜人)
Quan viên Lục phẩmLục phẩm An nhân (六品安人)
Quan viên Thất phẩm, Ân kỵ úyThất phẩm Nhụ nhân (七品孺人)
Dưới Bát phẩmBát phẩm Nhụ nhân (八品孺人) và Cửu phẩm Nhụ nhân (九品孺人)

Một số quy định gia phong Ngoại mệnh phụ triều Thanh:

  • Đời Thanh quy định, khi trong nhà có trên 1 người được quan vị và được ân phong, thì dựa vào ai có phẩm vị cao nhất để tiến hành phong tặng. Ví dụ như trong nhà của cặp vợ chồng già kia cùng lúc 2 người con được phong chức quan, một người quan Ngũ phẩm, một quan Nhị phẩm, thì đôi vợ chồng già kia sẽ được án theo chức quan Nhị phẩm mà phong tặng.
  • Năm Thuận Trị thứ 9, quan viên bị tội liền tước bỏ phong tặng.
  • Năm Thuận Trị thứ 9 cũng quy định, nếu một phụ nữ do có chồng hoặc con đạt được chức quan mà thụ phong tặng, thì người phụ nữ ấy không có quyền tái giá. Nếu tái giá, toàn bộ phong tặng đều bãi bỏ. Nói cách khác, “Cáo mệnh” cùng “Cáo sắc” đều là tài sản của nhà chồng, người phụ nữ một khi tái giá thì không được mang đi.
  • Năm Thuận Trị thứ 10, quy định phụ nữ nào đã tái giá, hoặc xuất thân ca kỹ, hoặc tỳ thiếp đê hèn, đều không được phong tặng.
  • Năm Thuận Trị thứ 16, quy định quan viên nào là Quá kế (過繼) thừa tự[8], thì phong tặng Kế phụ và Kế mẫu trước. Sau khi Kế phụ và Kế mẫu đều có phong tặng thì mới ân phong cha mẹ ruột.
  • Năm Khang Hi thứ 8, quy định Tam mẫu (tức là Đích mẫu, Kế mẫu và Sinh mẫu) không thể cùng nhau tấn phong, hơn nữa thứ tự cũng trước sau theo trình tự. Bên cạnh đó, quan viên khi phong tặng cho thê thất trong nhà chỉ có thể phong tặng người “Chính thất”, nếu vợ đầu "Nguyên phối" của quan viên đã qua đời và quan viên đã có "Kế thất", thì cho phép phong tặng cùng lúc nguyên phối và kế thất.
  • Năm Ung Chính thứ 3, sửa lại quy định năm Khang Hi thứ 8, cho phép phong tặng mẹ cả, mẹ kế cùng mẹ đẻ trong cùng một đợt. Như vậy, thiếp thất của quan viên cũng được dự vào khả năng ân phong, song không thể từ chồng mà là từ con cháu.